Sơ lược về Theo dõi và Đánh giá/Basic M&E

Sự cần thiết của Theo dõi – đánh giá (TD-ĐG) trong cuộc sống hôm nay

Tại các nước phát triển, nhu cầu về minh bạch và tính giải trình rất cao nên theo dõi và đánh giá được quan tâm và phát triển từ lâu ở tất cả các khu vực, cả tư nhân và khu vực công. Nghề đánh giá đặc biệt phát triển mạnh trong vòng 30 năm trở lại đây và ngày càng được coi trọng.

Tại Việt Nam, TD-ĐG vẫn còn được coi là mới và chưa có nghề đánh giá chuyên nghiệp. Nhu cầu về TD-ĐG tuy chưa thực sự cao nhưng cũng đang phát triển nhanh theo đà tiến bộ của xã hội và yêu cầu của quá trình hội nhập. TD-ĐG bắt đầu được nói đến một cách bài bản bắt đầu từ khu vực các dự án phát triển, phần lớn do yêu cầu của các nhà tài trợ nước ngoài. TD-ĐG bắt đầu được “chính thống hoá” với các dự án ODA khi Nghị định 131/2006 ra đời với sự hỗ trợ của dự án VAMESP II và cho tới nay đã lan toả ra hầu hết các lĩnh vực, từ đầu tư công đến kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, các chương trình cải cách…

Đối tượng cần được TD-ĐG rất đa dạng: từ các dự án đầu tư, các chính sách, các quá trình cải cách của khu vực công, hoạt động hàng ngày của các cơ quan nhà nước đến các dự án nhỏ của cộng đồng hoặc khu vực tư nhân

Khái niệm về theo dõi và đánh giá

Có nhiều định nghĩa và tài liệu khác nhau về TD-ĐG. Tại Việt Nam có thể sử dụng bộ 2 bộ tài liệu được coi là tương đối chính thống, đó là “Cẩm nang về theo dõi đánh giá” của dự án VAMESP II và “Đào tạo cơ bản về đánh giá các chương trình dự án phát triển” của Bộ KH-ĐT. Tựu chung lại, có thể định nghĩa TD-ĐG như sau:

+ “Theo dõi là một hoạt động thường xuyên và liên tục để đảm bảo rằng các can thiệp hiện đang được áp dụng đi theo đúng hướng, thường là trách nhiệm quản lý để đảm bảo rằng kết quả theo dõi liên tục được sử dụng để cải thiện hiệu suất của một can thiệp nào đó”.

+ Đánh giá là việc xem xét một hoạt động bên trong hoặc bên ngoài để đánh giá  hiệu quả, hiệu suất hoặc quá trình can thiệp thông qua việc sử dụng có hệ thống các quy trình nghiên cứu xã hội. Nếu can thiệp không tạo được thay đổi mong đợi, đánh giá thường sẽ xác định những rào cản tác động đến năng lực thực hiện và sử dụng các bài học rút ra được cho các can thiệp tiếp theo. Có 5 tiêu chí phổ biến được sử dụng trong đánh giá bao gồm (1) tính phù hợp; (2)  hiệu suất; (3)  hiệu quả; (4) tác động; và (5) tính bền vững.

Giám sát là một khái niệm gần gũi với TD-ĐG. Trong nhiều văn bản nhà nước, cụm từ “giám sát – đánh giá “ vẫn được sử dụng thay cho “theo dõi – đánh giá”. Trong trường hợp này, giám sát có nghĩa như là theo dõi. Mặt khác, tuy bản chất giám sát gần giống việc theo dõi, nhưng do các bên thứ ba (không phải là chủ thể hoặc khách thể của can thiệp) thực hiện. Ví dụ như giám sát của cấp trên đối với cấp dưới, giám sát của các cơ quan dân cử với hoạt động của chính quyền, giám sát của cộng đồng với các dự án…

Chỉ số - linh hồn của TD-ĐG

Chỉ số là một "biến định lượng hoặc định tính cung cấp một phương tiện đơn giản và đáng tin cậy để đo lường phản ánh những thay đổi liên quan đến một sự can thiệp". Chỉ số có thể được gọi đơn giản hơn là thước đo sự thay đổi. Có 2 loại chỉ số thường được đề cập đến và ít nhiều còn gây gây tranh cãi: (1) Chỉ số thông thường (indicator)- là loại chỉ số đúng như định nghĩa nêu trên, đơn giản và đo lường trực tiếp. Chỉ số này thường được yêu cầu phải SMART (Simple- Measurable-Attributable-Relevant -Timely); (2) Chỉ số tổng hợp: (Index) - là các chỉ số được tổng hợp theo những công thức nhất định từ các chỉ số nhỏ (ví dụ như PCI - chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh)

Một số chú ý để tránh nhầm lẫn là “Chỉ số & chỉ báo”. Có lẽ do dịch thuật nên trong thực tế có 2 từ được dùng khác nhau là chỉ số và chỉ báo. Chỉ số & chỉ tiêu: Đây là hai khái niệm khác nhau nhưng trong nhiều trường hợp bị dùng lẫn lộn và thường gây tranh cãi rất nhiều. Ngay cả trong nhiều trường hợp, người ta coi chỉ số (indicators) là một khái niệm gộp gồm cả biến số (variable), tình trạng đầu kỳ của chỉ số (baseline data), và chỉ tiêu (target) là “mốc” phấn đấu.